Ngành cơ khí là một trong bốn ngành công nghiệp trọng yếu và chiếm tỷ trọng 19,41% toàn ngành công nghiệp của TP Hồ Chí Minh. Tuy đạt được nhiều kết quả quan trọng, nhưng thực tiễn cũng đặt ra nhiều thách thức để ngành phát triển bền vững.
Nói về tiềm năng phát triển ngành cơ khí, ông Nguyễn Văn Trí, Giám đốc Công ty TNHH Lập Phúc cho biết: “Hiện nay, nhu cầu về máy móc, thiết bị sản xuất là rất lớn, từ đó đã thúc đẩy ngành cơ khí, nhất là ngành cơ khí chính xác phát triển với tốc độ nhanh chóng. Đây là cơ hội tiềm năng cho ngành cơ khí tận dụng những thuận lợi, kết hợp ứng dụng công nghệ 4.0 vào quá trình sản xuất. Lập Phúc là một trong những công ty khuôn mẫu chính xác cao hàng đầu tại Việt Nam và đến nay, công ty đã khẳng định vị thế vững chắc ở thị trường trong nước, mở rộng thị trường xuất khẩu sang những thị trường tiềm năng, khó tính như Nhật Bản, châu Âu... Không dừng lại, công ty đang tiếp tục vươn lên, sẵn sàng xây dựng, hoàn thiện cơ sở vật chất và đầu tư trang thiết bị máy móc hiện đại, với mục tiêu là tạo ra những sản phẩm khuôn mẫu mang chất lượng Nhật Bản, giá rẻ và theo tiêu chuẩn châu Âu.
Thời gian qua, ngành cơ khí có những đóng góp quan trọng vào kinh tế - xã hội của thành phố nói chung và ngành công nghiệp nói riêng. Năm 2019, tốc độ tăng trưởng ngành cơ khí tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2018, chiếm tỷ trọng 28,65% trong bốn ngành công nghiệp trọng yếu của thành phố. Chỉ số sản xuất công nghiệp ngành cơ khí giai đoạn 2015 - 2019 tăng trưởng bình quân 7,56%/năm. Cụ thể, năm 2015 tăng 12,3%, năm 2016 tăng 7,98%, năm 2017 tăng 2,37%, năm 2018 tăng 7,6%, năm 2019 tăng 7,8%. Qua đó, đã xây dựng được một số thương hiệu, sản phẩm cơ khí tiêu biểu, có khả năng tham gia chuỗi cung ứng trong nước và ngoài nước, như cơ khí khuôn mẫu, cơ khí công nghệ cao, máy móc thiết bị, phụ tùng… Nhiều sản phẩm cơ khí của thành phố được xuất khẩu, nhất là máy móc thiết bị, dụng cụ và phụ tùng. Số lượng doanh nghiệp (DN) ngành cơ khí tăng đáng kể trong giai đoạn 2015 - 2019, bình quân tăng 11,3%/năm và thành phố hiện có 5.159 DN đang hoạt động ở lĩnh vực cơ khí.
Về tiêu thụ, thị trường trong nước chiếm hơn 57%, thị trường nước ngoài chiếm khoảng 43%. Trong đó, sản phẩm khuôn mẫu chính xác cao là thế mạnh của các DN cơ khí trên địa bàn. Để tăng năng lực cạnh tranh, các DN ngày càng chú trọng thiết kế mẫu mã, chất lượng sản phẩm, mạnh dạn đầu tư dây chuyền sản xuất với công nghệ hiện đại… Cùng với đó, cơ cấu của ngành cơ khí vẫn giữ mức tăng trưởng ổn định qua các năm so với toàn ngành công nghiệp (năm 2015 đạt 17,44%, năm 2016 đạt 17,3%, từ năm 2017 đến năm 2019 đạt 19,41%). Từ những số liệu nêu trên cho thấy, đây là ngành chiếm tỷ trọng lớn, công nghiệp quan trọng, hỗ trợ các ngành công nghiệp khác, đã có sự chuyển dịch đúng định hướng, đóng góp lớn nhất (chiếm tỷ trọng cao nhất) trong toàn ngành công nghiệp của thành phố.
Trước những tác động mạnh mẽ của cách mạng công nghiệp 4.0, DN cơ khí gặp không ít thách thức trong việc cải tiến công nghệ, bắt kịp xu hướng, nâng cao trình độ lao động, chất lượng hạ tầng để có thể tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu và những áp lực cạnh tranh lớn đến từ các nước trong khu vực cũng như trên thế giới. Cần thẳng thắn nhìn nhận, hiện chưa có nhiều DN cơ khí ở thành phố tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. DN cơ khí cả nước nói chung và thành phố nói riêng đang khó cạnh tranh với các sản phẩm cơ khí nhập khẩu.
Ông Phạm Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật cơ khí TP Hồ Chí Minh nhận định: “Chất lượng sản phẩm cơ khí của DN trong nước còn thấp, giá thành sản xuất cao, thiếu sức cạnh tranh và còn thiếu nhiều DN cơ khí lớn, mang tầm quốc tế, đóng vai trò dẫn dắt. Trình độ cơ khí chế tạo, nhất là cơ khí chính xác - là trụ cột của sản xuất công nghiệp, lạc hậu so với nhiều nước. Do đó, các cơ quan liên quan cần đưa ra những giải pháp về chính sách, như xây dựng chiến lược kinh tế sáng tạo, kinh tế số; xây dựng chiến lược cơ khí TP Hồ Chí Minh 4.0 dựa trên giá trị và công nghệ đến năm 2030, tầm nhìn 2050; hỗ trợ đào tạo nhân lực và tư vấn về quản lý, công nghệ, kỹ năng cho DN; hỗ trợ DN tiếp cận các quỹ đầu tư, tổ chức tín dụng, phát triển các chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng…”. Ông Tuấn cũng cho biết thêm, các DN cần chủ động tích cực tham gia cách mạng công nghiệp 4.0, đầu tư nguồn lực con người. Bên cạnh đó, tập trung vào các hoạt động, dịch vụ và sản phẩm có giá trị tăng thêm cao, nhất là đầu tư tài chính để phát triển hệ thống nghiên cứu đổi mới sáng tạo công nghệ trong DN, xây dựng chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng.
Mới đây, TP Hồ Chí Minh giao Sở Công thương triển khai chương trình kích cầu đầu tư nhằm hỗ trợ lãi suất cho DN công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí đổi mới máy móc thiết bị, mở rộng sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Cùng với đó, giao Viện Nghiên cứu phát triển thành phố phối hợp các đơn vị liên quan xây dựng chiến lược phát triển ngành cơ khí thành phố đến năm 2030.
Bài và ảnh: KHÁNH TRÌNH